PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Lời Tựa

Trong quyển sách
này, ngài Dhammika giải đáp những thắc mắc về giáo huấn của Đức Phật mà người
ta thường nêu lên để hỏi ngài. Lối trả lời của ngài thật là chính xác, rõ ràng
và minh bạch. Quý vị nào chưa từng quen thuộc với Phật giáo sẽ thấy nơi đây
những tia sáng bao trùm tòan diện vấn đề. Quý vị nào đã đi sâu vào Đạo sẽ hoan
hỷ tiếp nhận thêm những bổ túc thích thú cho sự hiểu biết của mình.
1/ Phật giáo là gì?
Danh từ Phật giáo
(Buddhism) xuất nguyên từ chữ “buddhi”, có nghĩa là “giác ngộ”, “thức tỉnh”, và
như vậy Phật giáo là tôn giáo đưa đến giác ngộ. Giáo thuyết này xuất phát từ
kinh nghiệm của một người, Ngài Siddhatta Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), tự mình
giác ngộ vào lúc 35 tuổi và được tôn là Phật. Đến nay, Phật giáo tồn tại hơn
2500 năm và có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Cho đến cách đây độ
một trăm năm, Phật giáo chính yếu là một triết học của người Á Đông, nhưng rồi
dần dần có them nhiều người Âu, Úc và Mỹ lưu tâm đến.
2/ Như vậy Phật giáo chỉ là một triết học
(philosophy)?
Danh từ
“philosophy”, triết học, có hai phần: “philo” có nghĩa là ưa thích, yêu chuộng,
và “Sophia” có nghĩa trí tuệ. Như vậy, triết học (philosophy) là sự yêu chuộng
trí tuệ, hoặc tình thương và trí tuệ. Cả hai ý nghĩa này mô tả Phật giáo một
cách tòan hảo. Phật giáo dạy ta nên phát triển trọn vẹn khả năng trí thức để có
thể thông suốt rõ ràng. Phật giáo cũng dạy ta phát triển lòng từ bi để có thể
là người bạn thật sự của tất cả mọi chúng sinh. Nhự vậy, Phật giáo là một triết
học, nhưng không phải chỉ là một triết học. Phật giáo là triết học tối thượng.
3/ Đức Phật là ai?
Vào năm 623 trước
Tây Lịch, một cậu bé được sinh ra trong một hoàng tộc tại miền bắc xứ Ấn Độ. Vị
hoàng tử trưởng thành trong cảnh giàu sang nhung lụa, nhưng rồi sớm nhận thức
rằng tiện nghi vật chất và an tòan trong thế gian không bảo đảm được hạnh phúc.
Ngài động lòng trắc ẩn sâu xa trước hòan cảnh khổ đau của những người sống
chung quanh và nhất định tìm cho ra bí quyết của hạnh phúc nhân loại. Vào năm
29 tuổi, Ngài rời bỏ vợ và con, cất bước lên đường, rồi ngồi dưới chân những vị
đạo sư trứ danh thời bấy giờ để học. Những vị này dạy Ngài nhiều điều, nhưng
không vị nào thật sự hiểu biết nguồn cội khổ đau của nhân loại và làm thế nào
để vượt thoát ra khỏi nguồn cuội khổ đau đó. Cuối cùng, sau sáu năm tu học và
hành thiền, Ngài thu hoạch đủ kinh nghiệm để tự phá vỡ màn vô minh và thành đạt
giác ngộ.
Kể từ đó, Ngài
được tôn là Phật, bậc Chánh đẳng Chánh giác. Trong bốn mươi lăm năm trường,
Ngài chu du cùng khắp miền bắc Ấn Độ để dạy người khác những gì chính Ngài đã
chứng ngộ. Lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của Ngài quả thật là kì diệu, và hằng
ngàn người đã theo Ngài, trở thành tín đồ Phật giáo. Đến năm được 80 tuổi thọ,
già yếu và bệnh hoạn, nhưng lúc nào cũng hạnh phúc và an bình, Ngài nhập diệt.
4/ Đức Phật đã nhập diệt, làm thế nào
Ngài có thể giúp ta?
Ông Faraday là
người khám phá ra điện, ông nay đã qua đời, nhưng những gì ông sáng chế vẫn còn
giúp ích cho chúng ta. Ông Louis Pasteur đã tìm ra phương pháp trị liệu cho
nhiều chứng bệnh. Ông ta đã chết, nhưng đến nay những khám phá y khoa ấy vẫn
còn cứu mạng nhiều người. Ông Leonardo da Vinci, người sáng tạo nhiều tác phẩm
mỹ thuật, nay đã chết. Nhưng, những gì ông sáng tác vẫn còn làm phấn khởi tinh
thần và giúp cho nhiều người hoan hỷ thưởng thức. Những bậc cao nhân và anh
hùng hào kiệt đa ra người thiên cổ từ cả mấy thế kỷ, nhưng khi đọc lại lịch sử
oai hùng về những gì các vị ấy đã làm và thành tựu, chúng ta vẫn còn tìm đươc
nguồn gợi cảm và muốn làm như các ngài. Đúng vậy, Đức Phật đã nhập diệt, nhưng
2500 năm sau, giáo huấn của Ngài vẫn còn tế độ chúng sinh, gương lành của Ngài
vẫn còn là nguồn gợi cảm cho nhiều người, những lời dạy của Ngài vẫn còn làm
thay đổi nhiều cuộc sống. Chỉ có Đức Phật mới có thể có oai lực hùng mạnh như
thế ấy, trong nhiều thế kỷ sau khi chết.
5/ Đức Phật có phải là một thần linh
không?
Không, Ngài không
phải là thần linh. Ngài không bao giờ tự xưng là thần linh, là con của một thần
linh hay la sứ giả của một thần linh. Ngài là một con người đã tự cải thiện để
trở nên toàn hảo, và dạy rằng nếu ta noi theo gương lành ấy, chính ta cũng có
thể trở nên toàn hảo như Ngài.
6/ Nếu Đức Phật không phải là thần linh,
tại sao người ta sung kính lễ bái Ngài?
Có nhiều cách lễ
bái khác nhau. Khi lễ bái thần linh, người ta tán than công đức và tôn vinh,
dân cũng lễ vật và van xin ân huệ, tin tưởng rằng vị thần linh sẽ lắng tai nghe
lời mình tán thán công đức, sẽ nhận lãnh lễ vật, sẽ thỏa mãn lời nguyện cầu của
mình. Người Phật tử không tự nuông chiều trong loại lễ bái ấy.
Còn phương cách
lễ bái khác là để tỏ lòng tôn kính người hay vật mà mình khâm phục. Khi vị thầy
giáo bước vào phòng, ta đứng dậy. Khi gặp người đáng tôn kính, ta xá chào. Khi
nghe quốc thiều trổi lên, ta nghiêm chỉnh đứng chào. Đó là những cử chỉ tôn
kính và lễ bái để tỏ lòng cảm phục và kính mộ của ta đối với một người hay một
vật nào. Đó là loại lễ bái của người Phật tử. Một pho tượng Phật trong tư thế
ngồi với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười tự tại, từ ái và bi mẫn,
nhắc nhở chúng ta nổ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Hương trầm
nhắc ta mùi hương thâm diệu của giới đức, ngọn đèn tượng trưng ánh sáng của trí
tuệ, và những cành hoa sớm nở tối tàn khơi dậy nơi ta ý niệm về đặc tướng vô
thường của vạn pháp. Khi lễ lạy, ta bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, vì
Ngài đã ban truyền cho ta những lời dạy vô cùng hữu ích. Đó là ý nghĩa của lễ
lạy trong Phật giáo.
7/ Nhưng tôi nghe nói rằng người Phật tử
lễ bái thần tượng.
Những lời phát
biểu tương tự chỉ thể hiện tình trạng kém hiểu biết của người nói. Tự điển định
nghĩa thần tượng là “một hình ảnh hay một pho tượng được tôn sùng như thần
linh”. Như chúng ta đã thấy, người Phật tử không tin rằng Đức Phật là một thần
linh, thì làm sao họ có thể tin rằng một khúc gỗ hay một khối kim khí là một
thần linh? Tất cả các tôn giáo đều dung biểu tượng để diễn đạt những khái niệm
khác nhau. Đạo Lão dùng âm dương để tượng trưng trạng thái hòa diệu của hai cái
đối nghịch. Đạo Sikh dùng lưỡi kiếm để tượng trưng sự chiến đấu của tinh thần.
Trong Ky-tô giáo, con cá được dùng để tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa
Giê-su. Trong Phật giáo, pho tượng Phật tượng trưng tính nhân bản của giáo lý
nhà Phật, rằng Phật giáo lấy con người làm nồng cốt, không phải thần linh, rằng
chúng ta phải quay nhìn vào bên trong, không phải hướng ra bên ngoài, để tìm
trạng thái tòan hảo và trí tuệ. Như vậy, nói người Phật tử sùng bái thần tượng
là không đúng.
8/ Tại sao người ta đốt giấy tiền vàng
bạc và làm đủ điều kì dị trong chùa?
Đối với ta, nhiều
chuyện hình như rất kỳ lạ khi ta chưa thấu hiểu. Thay vì bác bỏ những lạ kỳ
tương tự, ta nên tìm hiểu ý nghĩa của nó. Đúng rằng lối hành lễ của người Phật
tử đôi khi bắt nguồn từ những tín ngướng dị đoan và những hiểu biết lầm lạc
trong dân gian, hơn là từ những lời dạy của Đức Phật. Những hiểu biết lầm lạc
này không phải chỉ có trong Phật giáo. Chính Đức Phật đã dạy rất rành rẽ và với
nhiều chi tiết, ta không thể đổ lỗi cho Ngài nếu có vài người không hiểu biết
đầy đủ. Có câu châm ngôn: “Nếu người kia lâm bệnh mà không tìm cách chữa trị,
mặc dầu có lương y ở sẵn bên cạnh, lỗi không phải tại vị lương y ấy. Cùng thế
ấy, nếu người kia bị chứng bệnh ô nhiễm làm bứt rứt dày vò, mà không nhờ đến sự
giúp đỡ của Đức Phật, thì lỗi ấy không phải tại Đức Phật” (JN 28-9).
Ta cũng không nên
xét đoán Phật giáo hay bất luận tôn giáo nào khác vì có người tín đồ thực hành
sai lạc. Nếu bạn muốn hiểu biết giáo lý thật sự của Đức Phật, hãy đọc những lời
Phật dạy, hoặc nói chuyện với ai thông hiểu Phật pháp đúng đắn.
9/ Phật giáo có hợp với khoa học không?
Trước khi giải
đáp câu hỏi, tốt hơn ta nên định nghĩa danh từ “khoa học” (science). Theo tự
điển, khoa học là “kiến thức mà có thể hợp chung lại thành hệ thống, kiến thức
thuận theo những gì ta thấy, những sự kiện được trắc nghiệm và nêu lên những
định luật thiên nhiên tổng quát, là một ngành của kiến thức ấy, bất luận gì có
thể khảo sát là đúng vậy.”
Có những sắc thái
của Phật giáo không hợp đúng với định nghĩa này, nhưng giáo lý nồng cốt của
Phật giáo, Tứ Diệu Đế, hay bốn chân lý thâm diệu, chắc chắn là thích ứng.
Đế đầu tiên, Khổ
đế, là một kinh nghiệm có thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Đế thứ nhì, Tập
đế, nói rằng đau khổ phát sinh do một nguyên nhân thiên nhiên, ái dục, cũng có
thể mô tả, chứng nghiệm và đo lường. Không có sự cố gắng nào để giải thích đau
khổ như một khái niệm hay những câu chuyện thần thoại có tính cách siêu hình.
Đau khổ chấm dứt,
theo Diệt đế - đế thứ ba, không phải bằng cách ỷ lại nơi một nhân vật tối cao,
bằng đức tin, hay bằng cách van vái nguyện cầu, mà chỉ giản dị bằng cách diệt
trừ nguyên nhân của nó. Đó là định lý rõ ràng và hiển nhiên.
Đế thứ tư, Đạo
đế, là con đường, phương cách để chấm dứt đau khổ, một lần nữa, không có gì
liên quan đến siêu hình, mà chỉ tùy thuộc nơi cuộc sống theo những đường lối
đặc thù. Và một lần nữa, lối sống này có thể được trắc nghiệm.
Phật giáo, cũng
như khoa học, không dựa trên khái niệm về một nhân vật tối thượng, mà giải
thích những nguyên nhân và những sinh hoạt của vũ trụ, theo những định luật
thiên nhiên. Tất cả những điểm này chắc chắn cho thấy rõ tinh thần khoa học.
Một lần nữa, Đức Phật luôn luôn khuyên dạy không nên có đức tin mù quáng, mà
phải nghiên cứu, học hỏi, khảo sát tận tường trước khi chấp nhận điều gì là
chân lý. Ngài nói:
“Đừng tin vì nghe
nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh
điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có
suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết,
đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì người đó là thầy mình.
Nhưng khi nào quí
vị tự biết rõ các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp
này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn
đến hạnh phúc an vui, thời quý vị hãy tuân theo các pháp ấy” (Kinh Kalama, AN
III.65).
Do đó, chúng ta có thể nói rằng mặc dù
Phật giáo không hoàn toàn là khoa học, nhưng tôn giáo này có màu sắc khoa học
rất sâu đậm, và chắc chắn có nhiều tính khoa học hơn các tôn giáo khác.
Đây là một sự kiện có ý
nghĩa khi ông Albert Einstein, một nhà khoa học lỗi lạc nhất thế kỷ 20 đã nói
về Đạo Phật:
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo
vũ trụ. Tôn giáo đó cần phải siêu hóa vị Thượng Đế cá thể, không có các giáo
điều và thần học. Bao gồm tính thiên nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý
nghĩa tôn giáo sinh khởi từ thể nghiệm của mọi sự việc, thiên nhiên lẫn tâm
linh, và trên một sự hợp nhất có ý nghĩa. Phật giáo phù hợp với sự diễn tả này.
Nếu có một tôn giáo nào có thể thỏa mãn các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn
giáo đó phải là Phật giáo”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét